Thị hiếu đa dạng, vì vậy xu hướng kiến trúc cũng hướng theo nhiều phong cách, ý tưởng khác nhau. Phổ biến nhất, chính là tương ứng với văn hóa cư trú, quan điểm thẩm mỹ của người dân. Tuy nhiên, những ngôi nhà đẹp thường không chỉ giới hạn những quan điểm đó, mà còn thu hút bởi những ý tưởng sáng tạo đầy đột phá, mang đến không gian có giá trị thẩm mỹ tuyệt vời. Vậy những xu hướng phổ biến dành cho kiến trúc mẫu nhà thấp tầng thường thể hiện như thế nào, cùng NICE WORLD tìm hiểu dưới đây nhé!

  1. Xu hướng cổ điển

Xu hướng này thường sử dụng lại các mô típ trang trí phổ biến của các kiến trúc cổ điển (chủ yếu là cổ điển phương Tây) để thể hiện. Những người yêu thích phong cách này thường là những người trung hoặc đứng tuổi, có một số thành công nhất định trong cuộc sống (kinh tế, vị trí xã hội,…)

Đối với ngoại thất, hình khối ngôi nhà chú trọng vào việc đề cao tính cân xứng thông qua sự đối xứng tương đối, thậm chí là đối xứng tuyệt đối. Các chi tiết như gờ chỉ, giả cột, vòm, ban công,… được sử dụng để trang trí các mặt đứng. Một đặc điểm khác dễ nhận ra là sử dụng hình thức mái dốc với vật liệu lợp bằng ngói hoặc đá. Đối với nội thất, tường được hoàn thiện bởi giấy dán tường, trần sử dụng phào chỉ kết hợp đèn chùm trong khi sàn thường lát các loại gạch bóng kính hoặc đá marble… là những thủ pháp chính. Ngoài ra các vật dụng đồ gỗ chạm trổ, bọc nệm được dùng đồng bộ để tăng thêm sự sang trọng, bề thế cho không gian nội thất.

Tuy nhiên, xu hướng cổ điển đôi lúc lại mang đến cảm giác nặng nề bởi sự xuất hiện dày đặc các chi tiết, cảm giác hoài cổ, nệ cổ có phần lạc lõng với khung cảnh xung quanh. Mặt khác, các chi tiết, hoa văn trang trí cũng là nơi bám bụi trên mặt đứng, theo thời gian sẽ làm bớt tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Do đó, một giải pháp cũng được lựa chọn là giảm bớt tính cổ điển, thêm những yếu tố đương đại tạo nên một kiểu kiến trúc tân cổ điển nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng không kém phần tinh tế và sang trọng. Tân cổ điển là sự đơn giản hóa kiến trúc cổ điển, lấy những bức tường, cột trụ làm trọng tâm và làm nổi bật bản chất chi tiết của bộ đó. Đặc biệt hơn, khi kiến trúc tân cổ điển hiện diện trên mặt tiền càng tăng thêm vẻ đẹp của thời gian cho một công trình nhà ở.

  1. Xu hướng lãng mạn thanh lịch

Xu hướng lãng mạn, thanh lịch được sử dụng cho nhà ở thấp tầng gắn liền với những cảnh quan đặc trưng, dễ tạo nên tính liên tưởng đến một cuộc sống nhẹ nhàng, lãng mạn như các bãi biển, cánh đồng, khu rừng,… Đôi lúc trong các đô thị ồn ào, xu hướng này cũng được sử dụng. Do sự dịu dàng và thanh thoát trong kiến trúc, mọi người sống trong ngôi nhà này giảm bớt cảm giác  bức bối và chật chội thường thấy.

Ngược lại với xu hướng cổ điển, xu hướng này tiết giảm tối đa các chi tiết, hoa văn mang tính đồ sộ, át chế. Các chi tiết trên mặt đứng được sử dụng nhẹ nhàng, thường kết hợp các yếu tố trang trí đương đại với phong cách đồng quê. Màu sắc nổi bật nhưng không đối chọi với khung cảnh, cảnh quan xung quanh, thường sử dụng các màu sáng hoặc màu trắng để tạo nên cái nhìn gắn kết và bố cục toàn diện cho ngôi nhà. Ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ cùng tông màu sáng và kết quả là nội thất rất tươi sáng và không gian thì thoáng mát. Màu xanh của thiên nhiên (thông qua cây cối, vườn hoặc các chậu hoa) được sử dụng như những điểm nhấn. Nội thất tao nhã với gam màu sáng, trung tính, dịu nhẹ kết hợp vật dụng nội thất gỗ nhưng lại không đặt nặng chi tiết trang trí. Các vách thường được sơn trắng hoặc ốp gạch trần màu sáng, dùng khung ảnh, tranh khổ nhỏ làm điểm nhấn.

Hiện nay tiêu biểu cho xu hướng này là phong cách Scandinavian. Đơn giản nhưng tính thẩm mỹ và chức năng được xem là nhân tố chính trong thiết kế nhà mang phong cách Scandinavian. Scandinavian được cho là chuẩn mực của sự sang trọng nhưng đầy nhã nhặn và tinh tế, chuộng gam màu trắng, màu đất và những vật liệu thô mộc tự nhiên, lông thú và da… do Scandinavian là một khu vực địa lý thuộc Bắc Âu, đặc điểm khí hậu hình thành nên các dấu hiệu nhận biết về phong cách. Tuy nhiên ở môi trường hiện đại, với sự giúp đỡ của các trang thiết bị như cửa kính, lò sưởi, máy sưởi, máy lạnh, chất liệu nhân tạo,… thì phong cách này đã được biến đổi cho hiện đại và phù hợp hơn với môi trường sống, thích nghi cả trong các đô thị sầm uất. Những thành phần chính để có thể tạo được phong cách thiết kế Scandinavian hoàn hảo cho ngôi nhà là: (1) Màu trắng; (2) Gỗ; (3) Ánh sáng; (4) Hoa văn; (5) Lò sưởi (thật hoặc giả).

  1. Xu hướng trẻ trung sáng tạo

Xu hướng mang phong cách hiện đại, sáng tạo mang lại cảm nhận về sự khác lạ, độc đáo. Đây là một phong cách độc đáo thiết kế kiểu “phi truyền thống”, một concept phù hợp cho những chủ nhà và những nhà thiết kế không sợ những thử nghiệm mới hoặc muốn thể hiện cá tính cởi mở, độc đáo và bộ óc giàu trí tưởng tượng của mình. Nói cách khác, thiết kế có thể “không cần” tôn trọng bất kỳ quy tắc nào cả, mang dáng dấp của phong cách thiết kế hiện đại, cách tiếp cận sáng tạo, độc lạ, bùng nổ sự trẻ trung và phá cách. Điểm nhấn của thiết kế chính là sự kết hợp hình khối, màu sắc một cách ngẫu nhiên, sáng tạo, thậm chí là bất bình thường và đánh đố thị giác.

Phong cách này được thể hiện qua:

(1) Màu sắc ngẫu hứng – không bị giới hạn về màu sắc, bất cứ màu nào cũng có thể phối hợp chúng với nhau, được tự do chọn màu sắc có thể là nổi loạn;

(2) Các chi tiết trang trí độc đáo – các trang trí phần nào khá tương đồng với phong cách thiết kế hiện đại;

(3) Phong cách “kỳ quặc” – các yếu tố kiến trúc thường được xem là “kỳ quặc” (hình dạng bất thường, màu sắc đối chọi,…) nhưng lại rất thiết thực và đa năng;

(4) Phù hợp mọi nơi – cho tất cả các khoảng không gian của ngôi nhà, dù là lớn hay nhỏ.

Một số trường hợp, xu hướng này đề cao sự sáng tạo mới lạ thông qua việc thể hiện những đường nét, hình dáng vật dụng hoặc chất liệu hướng tới tương lai (futurism). Chủ nhân của những ngôi nhà theo xu hướng này thường là những người trẻ tuổi, năng động muốn thể hiện cá tính và phong cách sống riêng.

4. Xu hướng thiết kế tối giản

Sự bề bộn của cuộc sống, đặc biệt là trong xã hội đề cao sự tiêu dùng, hàng hóa công nghiệp thái quá, đã truyền cảm hứng cho tính đơn giản, tự nhiên trong kiến trúc, mang đến một xu hướng thiết kế tối giản. Tối giản có nguồn gốc bắt rễ từ sự thuần khiết và cô đọng của Chủ nghĩa hiện đại (Modernism). Quan niệm về thiết kế tối giản được gói gọn trong 3 từ tiếng anh cũng rất tối giản – “Less is more” (Ít hơn là nhiều hơn) – Ít đồ vật hơn nghĩa là có nhiều không gian hơn, ít chi tiết hơn nghĩa là có nhiều sự tập trung hơn, ít màu sắc hơn nghĩa là sự nổi bật được khắc họa rõ nét hơn…

BẠN CÓ NHU CẦU THIẾT KẾ HOẶC THI CÔNG ? LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN NGAY!
Form Liên Hệ TVTK

Đường nét, hình thức, không gian, ánh sáng và vật liệu là một trong số những yếu tố cần thiết trong thẩm mỹ thiết kế ngày càng phổ biến này. Việc lược bỏ những yếu tố, chi tiết kiến trúc không cần thiết tạo nên giá trị tuyệt vời trong thiết kế. Thông qua cách dùng vật liệu, hình học và thiên nhiên, người thiết kế tạo ra một mối quan hệ sâu sắc giữa các công trình kiến trúc và môi trường tự nhiên quanh nó.

Phong cách thiết kế tối giản đề cao các không gian mở thay vì sự tách biệt, nhấn mạnh vào sự đơn giản, màu sắc hay dùng là màu xám hoặc màu trắng sáng, tránh dùng những tông màu quá nổi trội. Không gian thể hiện thông qua tổ hợp của những khối hình học – hình vuông, chữ nhật, cung tròn, nhưng các bề mặt đều nhẵn, không trang trí, không chi tiết. Phong cách tối giản đúng như tên gọi của nó, thể hiện bằng những gì đơn giản nhất.

Về nội thất, luôn có tính mạnh mẽ, hiện đại, rõ ràng của đường nét và mảng khối. Đặc biệt các khoảng trống và ánh sáng được chú trọng và đề cao, và thiết kế nội thất theo phong cách này là thiết kế từ khoảng trống đến khoảng đặc của đồ nội thất cũng như ánh sáng lẫn khoảng tối của không gian nội thất. Tinh thần chung của nội thất các ngôi nhà theo xu hướng tối giản là tạo ra diện mạo nhẹ nhàng có được nhờ hạn chế đáng kể có được từ việc giấu kín các đơn vị lưu trữ, chỉ để một vài yếu tố đáng giá, đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng. Không gian được tô điểm với những món đồ nội thất được lựa chọn kỹ càng, đồ vật được sử dụng không có gì mà không có mục đích. Các không gian không bao giờ cảm thấy lộn xộn hoặc chật chội, không có vấn đề gì về các phép đo diện tích thực tế. Thay vào đó, không khí và năng lượng có thể dễ dàng chảy từ phòng ngoài sang phòng trong một cách thư giãn và thoải mái. Kết hợp với những dải ánh sáng mặt trời và ấm áp, màu sắc ánh sáng, thậm chí là một không gian nhỏ có thể cảm thấy cởi mở cũng như trật tự khi sử dụng phong cách này.

    5. Xu hướng ‘mộc” / dân dã / đồng quê

Tinh thần của xu hướng này chính là tạo ra sự dung dị và mộc mạc cho ngôi nhà với một bầu không khí thanh bình và thoải mái. Trong nhịp sống phố thị nhộn nhịp và xô bồ, những không gian sống giản dị theo phong cách “mộc”, dân dã hay đồng quê này chính là một lựa chọn tốt, phần nào giúp cân bằng tâm hồn, và xóa bỏ đi những ưu lo cuộc sống. Thiết kế thể hiện cách bài trí theo kiểu nhà ở nông thôn. Các yếu tố kiến trúc để thô, bộc lộ hết vẻ thô mộc của vật liệu. Các vật liệu hay dùng là gạch để trần không trát, gỗ tự nhiên không sơn, vật dụng làm từ các chất liệu dân dã như vải, sợi đay, mây, tre,… gắn liền với không gian cây xanh và cảnh quan thiên nhiên, mang lại không gian thư thái và nghỉ ngơi.

Ngôi nhà được thiết kế theo xu hướng này thường thể hiện qua một số đặc điểm như:

(1) Các không gian cởi mở với sự phân vùng khéo léo và hài hòa – cởi mở nhưng chặt chẽ và hài hòa. Các khu vực chức năng có xu hướng “giao tiếp” với nhau dễ dàng, nhờ cấu trúc và lối sắp xếp liên thông nhau. Thiết kế khác biệt của trần nhà, sàn nhà hoặc cách trang trí nội thất , là những phương tiện chủ yếu để “đánh dấu” sự độc lập riêng rẽ của các đơn vị chức năng, trong tổng thể không gian… Vì vậy, khi tổ chức bố cục cho ngôi nhà, nên ưu tiên những không gian mở thoáng đãng, rộng rãi và ấm cúng với nhiều ánh sáng tự nhiên;

(2) Sử dụng bảng màu sắc “đồng quê” – một trong những yếu tố quan trọng để tô đậm bầu không khí thanh bình và lãng mạn trong không gian. Những gam màu tự nhiên nhẹ nhàng, đặc biệt là những sắc thái màu pastel như màu be, màu hồng, màu trắng, tông màu gỗ, màu xanh… là bảng màu đặc trưng cho một ngôi nhà có phong cách này, mang đến cảm giác thư thái và thoải mái.

(3) Nhiều yếu tố kiến trúc từ gỗ và kết hợp cây xanh, hoa trang trí – nhắc đến những không gian đồng quê, người ta thường có xu hướng nghĩ đến những ngôi nhà vùng ven được trang trí đơn giản và mộc mạc với nhiều đồ dùng bằng gỗ, xung quanh được bao bọc bởi tự nhiên đồng nội rất đỗi thanh bình và dung dị. Khi trang trí ngôi nhà, nên chú ý sử dụng nhiều các chi tiết làm từ gỗ, sự mộc mạc mà thanh lịch của chất liệu gỗ sẽ đem lại cho không gian cảm giác ấm áp và bình yên. Bên cạnh đó, những vườn hoa được thiết kế, chậu hoa được bày biện bất kỳ nơi nào trong ngôi nhà, cũng làm cho không gian trở nên lãng mạn, mềm mại, đậm chất đồng quê hơn;

(4) Các chi tiết trang trí nội thất đặc trưng – ví dụ như lò sưởi và rèm cửa mềm mại được trang trí với nhiều hoa văn là những yếu tố không thể bỏ qua. Bắt nguồn từ những vùng đất có khí hậu lạnh giá, khắc nghiệt, lò sưởi vừa là một nét đặc trưng phản ánh tập quán sinh hoạt truyền thống, vừa là một chi tiết trang trí cho những không gian. Bên cạnh đó, những ô cửa sổ lớn được lấp đầy bởi các rèm cửa có phần diêm dúa với họa tiết hoa, màu sắc dịu nhẹ… là một trong những đặc điểm nổi bật của một ngôi nhà đồng quê truyền thống.

Trên đây là một số xu hướng kiến trúc phổ biến dành cho mẫu nhà thấp tầng mà bạn có thể tham khảo để lựa chọn cho không gian sống của mình. Tuy nhiên, để không gian thật sự lý tưởng và hoàn mĩ nhất, đừng quên liên hệ với NICE WORLD để chúng tôi có thể giúp bạn tư vấn thiết kế, thi công những công trình sáng tạo và đậm “chất” riêng nhé!

4.2/5 - (20 đánh giá)